TIN TỨC

Tổng công ty thép giảm phần vốn nhà nước xuống còn 51%

TTO – Tổng công ty thép VN (VNSteel) sẽ tiếp tục lộ trình bán tiếp một phần vốn nhà nước tại tổng công ty từ 93,93% xuống còn 51% theo quyết định đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Thép Minh Phát
Thép Minh Phát

Lộ trình này được VNSteel nêu ra trong kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn năm 2016.

Theo ông Đặng Thúc Kháng, chủ tịch HĐQT, năm 2015, VNSteel đã thoái vốn được 420 tỉ đồng tại ba đơn vị đầu tư bên ngoài.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thoái vốn vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn như quy trình bán đấu giá, thoái vốn cổ phần, thoái vốn tại các công ty TNHH chưa được Chính phủ quy định cụ thể, dẫn đến thời gian thực hiện bị kéo dài.

Hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện bảo toàn vốn nên đôi khi không thực hiện được, do một số khoản đầu tư cần thoái vốn tại các doanh nghiệp bị thua lỗ nặng dẫn đến không thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư…

Hiện VNSteel đang đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm đối tác nước ngoài có uy tín, tiềm lực kinh tế để tham gia làm đối tác chiến lược của tổng công ty cho kế hoạch thoái vốn nói trên.

Theo Báo tuoitre.vn

Chuyên gia: ‘1,7 triệu dân bị ảnh hưởng nếu Quảng Nam dời nhà máy thép’

Chuyên gia thủy lợi và tài nguyên nước Huỳnh Vạn Thắng cho rằng Quảng Nam chưa lường hết được ô nhiễm của phế liệu thép và trước sau gì cũng ảnh hưởng đến nguồn nước của khoảng 1,7 triệu dân.

Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia Dự án quản lý rủi ro thiên tai WB5 (VN-Haz) TP Đà Nẵng, cho rằng sản xuất thép là một trong những ngành gây ô nhiễm nặng. Quảng Nam từng nêu quan điểm không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế thì phải xem đó là tiêu chí và quan trọng nói thì phải làm.

– Ông nhận xét gì về việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương di dời nhà máy luyện cán thép quy mô 180.000 tấn/năm từ thị xã Điện Bàn lên thượng nguồn sông Vu Gia?

– Tỉnh Quảng Nam cho rằng di dời nhà máy luyện cán thép Việt Pháp đến thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) sẽ không gây ô nhiễm vì xử lý nước thải theo chu kỳ khép kín tuần hoàn. Khẳng định không ô nhiễm nên tỉnh không cần có ý kiến của Đà Nẵng.

Tôi thấy nghi ngại về khẳng định của Quảng Nam. Nếu nhà máy không ô nhiễm thì tại sao người dân quanh Cụm công nghiệp Thương Tín 1 (thị xã Điện Bàn) phản đối suốt thời gian qua, khiến nhà máy phải sản xuất cầm chừng và chuyển đi nơi khác.

chuyen-gia-1-7-trieu-dan-bi-anh-huong-neu-quang-nam-doi-nha-may-thep

Chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng. Ảnh:Nguyễn Đông.

Người dân sống gần chỉ cần quệt tay vào cánh cửa là thấy bụi bám đầy, cho thấy việc nhà máy gây ô nhiễm bụi và khí thải rất rõ ràng. Quảng Nam cứ nghĩ khi chuyển lên vùng núi ít dân thì người dân có thể chịu được. Nhưng khí thải của quặng thép nặng hơn không khí nên sẽ rơi xuống, gặp mưa thì cuối cùng cũng đưa ô nhiễm theo dòng sông về hạ du.

Nguồn nước quan trọng nhất của Đà Nẵng là sông Vu Gia, với 99% khối lượng nước, mà ô nhiễm thì dân lãnh đủ. Chưa nói đến lưu lượng nước hiện nay của sông Vu Gia ít đi do thủy điện Đăk Mi 4 lấy nước chuyển về Thu Bồn phát điện.

Một điều lo lắng nữa là Quảng Nam nói nhà máy thép có công nghệ xử lý khói bụi, nhưng khói bụi rất khó thu hồi 100%. Nếu có công nghệ thu được khói bụi thì sao không để nhà máy ở chỗ cũ rồi áp dụng công nghệ mới mà phải chuyển đi nơi khác xa xôi, giao thông khó khăn. Do đó nói nhà máy thép không ô nhiễm là không thuyết phục.

– Chính quyền Quảng Nam cho rằng công nghệ sản xuất của Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép, khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp các nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện. Ông nhìn nhận như thế nào? 

– Họ nói không luyện thép từ quặng sẽ không gây ô nhiễm. Nhưng nếu nhà máy dùng lò đứng công nghệ của Trung Quốc để nấu sắt thép phế liệu ra phôi thép thì lò đứng này Trung Quốc đang thải ra, bán rẻ như cho, chất lượng kém và chắc chắn gây ô nhiễm. Còn sử dụng công nghệ khác thì không chịu nổi tiền vì kèm theo đó rất nhiều thiết bị.

Đừng tưởng nhà máy nói không luyện thép, không luyện cốc là không ô nhiễm. Thực chất ô nhiễm nhất là nấu thép từ phế liệu. Thử nhẩm tính với công suất 180.000 tấn/năm, mỗi ngày nhà máy sẽ phải sản xuất ra 500 tấn thép. Phế liệu đâu ra để họ có nguyên liệu sản xuất ra con số khổng lồ đó.

Quảng Nam, Đà Nẵng hay cả vùng Tây Nguyên lâu nay có phế liệu từ chiến tranh, nhưng nhiều nhà máy đã thu mua rồi, giờ cũng không còn nhiều. Không có phế liệu thì nhà máy phải nhập từ nước ngoài. Ở các quốc gia khác, phế liệu được quy định phải qua xử lý. Bây giờ mình nhập về, họ không xử lý nữa mà bán thẳng.

Thử nghĩ đến chuyện phế liệu đó là những thùng phuy đựng nhựa đường, hóa chất độc hại… thì vô hình chung Việt Nam sẽ thành bãi rác chất độc hại. Việt Nam đã phát hiện bao nhiêu container thép phế liệu độc hại được nhập về, như ở Hải Phòng, chủ đầu tư trốn không dám đến nhận.

Không thể nói rằng nấu sắt thép phế liệu sẽ không ô nhiễm.

– Khẳng định trước sau gì nhà máy này cũng gây ô nhiễm môi trường, theo ông bao nhiêu người dân sẽ bị ảnh hưởng nếu Quảng Nam nhất quyết di dời nhà máy này lên hạ lưu sông Vu Gia? 

– Nếu nhà máy xảy ra ô nhiễm thật thì vấn đề lo ngại là ô nhiễm đó được đưa đi bằng đường nào. Xả trực tiếp vào nước thì không được, mà chôn lấp hay đưa vào hồ chứa thì Thạnh Mỹ là vùng cao, mạch nước ngầm trước sau gì cũng chảy về hạ lưu khiến khoảng 1,7 triệu dân ở Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Đà Nẵng phải gánh chịu.

Đà Nẵng từng từ chối một nhà máy thép vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Quảng Nam làm quá ẩu, vì chưa có kết quả đánh giá tác hại môi trường đã vội khẳng định nhà máy thép “sạch” và đồng ý chủ trương cho khảo sát di dời. Mấy ngày qua tôi thấy lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phản ứng cho rằng báo chí đưa thông tin chưa chính xác. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là chỉ khi báo chí lên tiếng thì mọi chuyện mới phần nào được làm sáng tỏ.

chuyen-gia-1-7-trieu-dan-bi-anh-huong-neu-quang-nam-doi-nha-may-thep-1

Người dân Điện Bàn nhiều lần dựng lán trại phản đối Nhà máy thép Việt-Pháp gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.Đ.

– Ông nói gì việc Quảng Nam gửi văn bản phúc đáp phía Đà Nẵng?

– Chủ tịch TP Đà Nẵng đã ký văn bản đề nghị Quảng Nam chia sẻ thông tin liên quan đến vị trí di dời nhà máy thép để giải thích với người dân. Theo Kết luận 26 của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường thì đề nghị của Đà Nẵng là phù hợp. Nhưng khi Quảng Nam phúc đáp thì lại là Phó chủ tịch tỉnh ký văn bản.

Quảng Nam từng nêu quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Thực ra đây không phải là quan điểm của riêng Quảng Nam, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, nên đó là chủ trương của Nhà nước.

– Theo ông, nếu lấy ý kiến rộng rãi, liệu Quảng Nam có di dời được nhà máy thép Việt Pháp lên lưu vực sông Vu Gia?

– Luật Bảo vệ môi trường quy định khi xây dựng dự án phải có ý kiến cộng đồng những nơi có thể bị ảnh hưởng. Nếu Quảng Nam di dời nhà máy thép lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, thì phải có đánh giá của người dân huyện Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Đà Nẵng – những nơi bị ảnh hưởng nguồn nước sông Vu Gia.

Thêm vào đó, Vu Gia là con sông liên tỉnh nên phải có ý kiến của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Có thể Bộ Tài nguyên còn lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp, Công thương nữa. Tôi dự đoán nhà máy thép sẽ không được cấp phép hoạt động ở lưu vực sông ảnh hưởng đến hàng triệu dân, vì đã có những bài học nhãn tiền liên quan đến luyện cán thép.

Theo Nguyễn Đông – VN Express

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt lộ trình giảm thuế

Theo ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Châu Âu (Bộ Công thương), doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt lộ trình giảm thuế đối với từng mặt hàng, biết mình được ưu đãi tới đâu để tận dụng tối đa cơ hội.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) có hiệu lực vào đầu năm 2016, cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế là lợi thế rất lớn cho hàng hóa Việt Nam.

Dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản… là nhóm hàng được cho là hưởng lợi nhiều khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực, ông nhìn nhận cơ hội với các lĩnh vực này ra sao?

Ông Dương Hoàng Minh: Theo Hiệp định, hai bên cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng, nhóm, không cam kết mở cửa thị trường là 1.433 dòng. Chẳng hạn, với thủy sản, 95% dòng thuế mở cửa hoàn toàn, trong đó 71% xóa bỏ hoàn toàn, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm (2010 – 2012) của Việt Nam vào EAEU, 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.

Với mặt hàng giày dép, 77% dòng thuế cắt giảm ngay, trong đó 73% xóa bỏ hoàn toàn và lộ trình tối đa 5 năm, 100% dòng thuế của các mặt hàng túi xách sẽ về 0%, 76% số mặt hàng đồ gỗ được cắt giảm thuế… Có thể nói, cơ hội xuất khẩu hàng hóa vô cùng lớn cho nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, để hưởng lợi từ ưu đãi giảm thuế thì doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ hiệp định này, với từng dòng thuế, lộ trình cắt giảm tới đâu… để có sự chuẩn bị phù hợp cho hàng hóa xuất khẩu thuộc ngành, lĩnh vực của mình.
.
Thủy sản là ngành được cho là có lợi thế xuất khẩu sang Nga và các nước thuộc EAEU (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), tuy nhiên, yêu cầu về kiểm dịch thực vật đang là rào cản. Vậy doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để vượt qua chướng ngại vật này?

Như tôi đã nói, FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực là cơ hội lớn cho các ngành hàng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường gần 180 triệu dân của EAEU. Nhưng quy định để được giảm thuế với từng mặt hàng khác nhau. Với thủy sản, phải đáp ứng về tỷ lệ xuất xứ nguyên liệu, quan trọng nhất là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hoặc mô tả hàng hóa khi cấp nguồn gốc xuất xứ… Bởi vậy, không ai thay doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.

Về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD).

Ngành thép được nhận định sẽ gặp nhiều sức ép lớn khi EAEU có hiệu lực, do Nga và các nước thuộc EAEU là cường quốc về sản xuất thép, vậy khả năng chống đỡ của ngành thép nước ta ra sao, thưa ông?

Quá trình đàm phán EAEU thực tế các bộ, ngành đã có tham vấn rất kỹ với ngành thép và thực tế, với từng mặt hàng sẽ có lộ trình giảm thuế, mở cửa khác nhau, nên các doanh nghiệp ngành thép cũng không nên quá lo lắng.

Được biết, vì quá lo nên ngành thép đã đề xuất được hỗ trợ, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, ngành thép hay bất cứ ngành nào khác, nếu có được bảo hộ của Nhà nước thì cũng không thể lâu dài được, nên phải tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Việt Nam lại có cơ hội nhập khẩu từ EAEU các loại thép đặc thù mà trong nước chưa sản xuất được với giá cạnh tranh hơn nhập từ các thị trường khác.

Theo dự kiến, FTA với EAEU sẽ được 2 bên phê chuẩn và có hiệu lực vào đầu năm 2016, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp xuất khẩu?

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Bởi vậy, khi EAEU có hiệu lực, thuế giảm thì các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ Hiệp định để có thể tận dụng tối đa.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại song phương quy định với hàng dệt may và giày dép về cơ chế ngưỡng. Khi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hoặc bên kia bị vượt ngưỡng, bên nhập khẩu cho rằng có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thì họ có thể tiến hành điều tra. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần hết sức lưu ý , bởi nếu tăng quá mạnh thì cũng không tốt.

Theo Hải Yến
Báo Đầu tư

Đà Nẵng quan ngại việc Quảng Nam cấp phép dự án thép ở thượng nguồn

Chủ tịch UBND Đà Nẵng có văn bản bày tỏ quan điểm, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố.

Đó là nội dung văn bản do ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch TP Đà Nẵng – gởi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tỉnh này cho phép đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, qua phản ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí, UBND TP Đà Nẵng được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang thuộc lưu vực sông Vu Gia hiện đang cung cấp khoảng 250 ngàn m3/ngày đêm cho nhà máy nước Cầu Đỏ thành phố Đà Nẵng, chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

Nơi dự kiến sẽ đặt nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang
Nơi dự kiến sẽ đặt nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang

Theo UBND TP Đà Nẵng, nội dung tại khoản 4, phần IV, mục A kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27 tháng 4 năm 2016 giữa Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trong thời gian đến thì “Các dự án phát triển kinh tế – xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan”.

“Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân thành phố Đà Nẵng được biết”, nội dung văn bản của TP Đà Nẵng đề nghị.

Trước đó, ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gởi Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan báo chí về thông tin liên quan đến dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) gây ra những lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tại công văn số 4209/UBND-KTTH ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam chỉ thống nhất cho phép Công ty TNHH thép Việt Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa với quy mô diện tích khoảng 17,3ha và chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại quyết định chủ trương đầu tư.

Tại thông báo số 420 ngày 23/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép Việt Pháp thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai, Luật xây dựng và các quy định hiện hành; trong quá trình lập quy hoạch chi tiết (1/500) dự án lưu ý đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khoảng cách ly… phù hợp với cấp độ độc hại của nhà máy; đồng thời giao trách nhiệm cho Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, đánh giá tác động môi trường; Sở TN-MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo.

“Vì vậy,việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan”, văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam nêu.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án nhà máy thép Việt Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa gần nhà máy xi-măng Thạnh Mỹ chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt phế liệu để nấu; trong đó nước sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường. Bụi, khí thải được xử lý qua 3 công đoạn…

“Việc so sánh ô nhiễm môi trường giữa nhà máy luyện cán thép Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai là không có cơ sở nên đã dẫn đến hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm của nhà máy luyện cán thép Việt Pháp”, văn bản do ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho hay.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng: “Việc dự án nhà máy thép Việt Pháp được hưởng các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (huyện Nam Giang) thực hiện theo quy định tại các Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Đây là các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các dự án tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các khu vực này”.

(Theo nguồn Dân trí)

Đọc tiếp …